Theo truyền thuyết hai làng Bình Lương và An Thành mặc dù cách nơi đô hội không xa nhưng không khí tĩnh mịch, cây cối tươi tốt. Tại nơi đây có xóm chài lưới, nhà cửa thưa thớt. Những đêm trăng thanh gió mát, thỉnh thoảng có tiên nữ xuống trần tắm. Do đó bãi sông này được đặt tên là Bãi Tiên (Tiên Châu) hay bãi Bích Trân. Cuối thế kỷ XIX chùa Di Đà bị xuống cấp nên tín đồ Phật tử đã trùng tu ngôi chùa vào năm Kỷ Hợi 1899. Từ đó ngôi chùa có tên chính thức là Tiên Châu Tự. Di Đà tự là một đại già lam, Bãi Tiên là một thắng cảnh. Do đó, từ xưa đến nay có rất nhiều tài tử giai nhân đến ngắm cảnh, ngâm vịnh. Chùa Tiên Châu hiện nay giữ được quy mô của năm Kỷ Hợi (1899), gồm bốn nóc: tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ. Các khu vực vừa kể làm theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo kiểu ngang dọc nhờ các kèo đấm, kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho. Nội điện chùa Tiên Châu được trang trí đẹp đẽ. Giữa tứ trụ là một khánh thờ, bên trong tôn trí một pho tượng Phật Di Đà bằng đất sét lớn. Hai bên vách hông là khánh thờ thần Già Lam, khánh thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, Thập Điện Minh vương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào – Bắc Đẩu, Địa Tạng, Chuẩn Đề, Hộ Pháp, Tiêu Diện Đại Sĩ. Trung đường và nhà tổ là nơi thờ các vị tổ sư tiền bối và thiện nam tín nữ đã quá vãng. Đây cũng là nơi tiếp khách nên treo rất nhiều tranh khuyến thiện và những câu đối có ý nghĩa thâm trầm. Chùa Tiên Châu được bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 12/12/1994. Chùa Tiên Châu là ngôi chùa cổ danh tiếng, có cảnh đẹp thu hút nhiều tao nhân mặc khách xưa nay. Trong dân gian hiện vẫn lưu truyền bài thơ của Ông Nguyễn Hữu Đức: “Tiên Châu giăng nước Vĩnh Long thành Đây rộn rực nhiều đó vắng tanh Khuất nước cỏ cây nhà trắng trắng Chia hai trời nước liễu xanh xanh Cảnh người trời nước ba thằng mục Chùa Phật hôm mai một tiếng kình Danh lợi vì đây lòng chẳng tưởng Bốn mùa phong cảnh chẳng ai tranh?”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét