Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam

http://www.moet.gov.vn/?page=9.6
Trang web này giúp giáo viên và học sinh cập nhật thông tin về ngành giáo dục như về văn bản, quyết định và thông tư về ngành, về tuyển sinh, học phí, các hoạt động v.v... hổ trợ tốt cho hoạt động giảng dạy và học tập.

Tạp chí trực tuyến


http://www.vjol.info/
Trang web này giúp giáo viên và học sinh đọc trực tuyến những tạp chí phục vụ cho việc giảng dạy và học tập như : Tạp chí Hóa học, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Thông tin khoa học và xã hội v.v...

Mỗi ngày một cuốn sách

http://www.moingay1cuonsach.com.vn/?page=home&portal=minhchau
Trang web này giúp cho giáo viên và học sinh tiếp cận những tri thức mới, tìm hiểu thông tin cũng như bổ sung kiến thức.

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

ĐÌNH BÌNH PHỤNG - VĨNH LONG

   Đình Bình Phụng thuộc ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đình được tạo lập vào năm 1920, bằng tre lá đơn sơ thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và những bậc tiền nhân có công với làng xã. Bên cạnh đó dân làng còn thờ ông Tà theo tín ngưỡng dân gianNăm 1925 đình được trùng kiến theo một ngôi đình Nam bộ truyền thống. Đình có kiến trúc hình chữ tam gồm võ quy, võ ca và chánh điện.
   Trong kháng chiến chống Pháp, đình Bình Phụng là một trong những địa điểm liên quan đến cuộc khởI nghĩa Nam Kỳ. Cuối năm 1940 thực dân Pháp đàn áp phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa, lục soát ngôi đình và bắt đi hơn 20 nghĩa quân.
   Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng sử dụng đình Bình Phụng làm trụ sở Ủy Ban Hành Chính xã, là nơi hội họp các đoàn thể như Phụ Nữ, Thanh Niên Tiền Phong,... của xã Trung HiệpCuối năm 1946 thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn đình Bình Phụng. Đem cây gỗ về cất trại lính ở Mai Phốp (Trung Hiếu).
  Đến năm 1955 đình được dựng tạm cách nền đình cũ khoảng 400m về hướng cầu Sẹo (nay là trường học cấp I A).
  Năm 1994 đình dời trở về vị trí ban đầu.
  Ngày 21/4/2002 đình Bình Phụng được khởi công xây dựng lại hoàn toàn mới trên diện tích 3050m2 bao gồm: chánh điện, nhà khói và sân khấu. Đình có khoảng sân rộng, trồng nhiều hoa kiểng, cây xanh. Khoảng sân đủ sức chứa đông người tập trung trong các dịp lễ hội. Trong sân đình có một bia sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, bia làm bằng nguyên khối đá hoa cương màu đỏ do cựu nghĩa quân Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt) phụng lập ghi lại sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940.
   Hằng năm đình có hai lễ cúng chính là:
   Lễ Hạ Điền ngày 17/3 âm lịch
   Lễ Thượng Điền 17/10 âm lịch
   Đình Bình Phụng được lập vào năm 1920 khá muộn so với các đình khác trong tỉnh. Vì bị thực dân Pháp thiêu hủy hoàn toàn vào năm 1946 nên tính đến thời điểm trùng tu quy mô vào năm 2003 thì đình đã hoàn toàn thay đổi so với một mái đình đơn sơ tre lá của thuở ban đầĐình Bình Phụng được UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh (quyết định số 970/QĐ.UBT, ngày 17/4/2003).



VĂN THÁNH MIẾU - VĨNH LONG

    Cùng với Văn Thánh Miếu ở Biên Hòa - Đồng Nai, Văn Thánh Miếu ở Gia Định xưa kia, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh Miếu của vùng đất Nam bộ từ thế kỷ 19.
  Văn Thánh Miếu Vĩnh Long tọa lạc trên một sở đất rộng, cặp bên bờ sông Long Hồ, thuộc phường 4, thị xã Vĩnh Long, cách thị xã khoảng 2km. Người chủ xướng xây dựng công trình này là cụ Phan Thanh Giản và cụ Đốc học Nguyễn Thông. Công trình Văn Thánh Miếu xây dựng hết hai năm (1864-1866). Bước chân đến cổng Văn Thánh Miếu, du khách bỗng cảm thấy dịu hẳn đi cái oi nồng nhờ ngọn gió từ bờ sông Long Hồ thổi đến. Muốn vào, phải bước qua cổng tam quan, với hai nếp mái, được sơn màu vàng nhạt. Cổng chính lớn hơn hai cổng phụ. Cổng được xây theo hình vòm. Phía trên cổng chính có ba chữ Hán, dưới ba chữ Hán đó là hàng chữ quốc ngữ: Văn Thánh Miếu. Hai bên cột cổng là hai hàng câu đối bằng chữ Hán nói về đức sáng của Khổng Tử, cũng như ca ngợi Văn Thánh Miếu. Vào trong, lòng du khách cảm nhận được sự yên tĩnh và tôn nghiêm như ở chốn thiền môn. Không gian bao la rộng lớn, một con đường tráng nhựa thẳng tắp với hai hàng cây cổ thụ hai bên, có tiếng chim líu lo trên cành, cơn gió từ đâu ập đến, làm rung chuyển những cành cây nghe xào xạc, lòng cảm thấy lâng lâng khó tả. Phía bên tay phải của du khách là Văn Xương Các - nơi dùng để chứa sách, đọc sách và cũng là nơi dành cho các sĩ phu hội họp, học tập, đàm đạo văn chương thi phú... Tầng trên lầu thờ ba vị Văn Xương Đế Quân, là những vị thần chuyên lo việc học hành thi cử. Tầng dưới thờ Sùng đức tiên sinh Võ Trường Toản và cụ Phan Thanh Giản. Ngoài ra nơi đây còn thờ các vị quan cựu trào ở Vĩnh Long như: Đốc học đường Nguyễn Thông, Đốc bộ đường Trương Văn Uyển, Giáo thọ Nguyễn Trí Mẫn... Thắp ba nén nhang lên bàn thờ chư vị, khói nhang quyện chặt lòng người mà lòng tưởng nhớ đến các vị danh sư đạo cao đức trọng một thời. Từ Văn Xương Các, du khách dời gót, bộ hành theo con đường được tráng xi măng thẳng tắp độ chừng 100m là đến nơi thờ chính của Văn Thánh Miếu. Văn Thánh Miếu này được xây dựng trên nền đá xanh cao khoảng 90cm. Bàn thờ giữa của Văn Thánh Miếu thờ đức Khổng Tử và bốn vị cao đồ như Tống thánh Tăng Tử, Á thánh Mạnh Tử, Phục thánh Nhan Tử và Thuật thánh Tử Tư. Bàn thờ hai bên tả hữu thờ 12 vị cao đồ. Phía bên ngoài là hai ngôi miếu nhỏ, đơn sơ gọi là Tả vu và Hữu vu, thờ 72 vị là học trò giỏi của Khổng Tử hay còn gọi là Thất thập nhị hiền. Nơi đây còn có tấm bia đá được dựng vào năm 1867, có khắc bài ký của cụ Phan Thanh Giản ở mặt trước và công đức của các vị đóng góp xây dựng công trình ở mặt sau. Rời Văn Thánh Miếu, du khách sẽ cảm thấy hài lòng vì có một buổi tham quan thú vị, vừa thư giãn tinh thần, vừa chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ xưa, được hiểu thêm đôi chút về văn hóa dân tộc.


TIÊN CHÂU - MỘT DANH LAM CỔ TỰ Ở VĨNH LONG

     Chùa Tiên Châu ở cù lao sông Tiền thuộc làng Bình Lương và An Thành (nay là ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ). Tên đầu tiên của chùa Tiên Châu là Di Đà tự

   Theo truyền thuyết hai làng Bình Lương và An Thành mặc dù cách nơi đô hội không xa nhưng không khí tĩnh mịch, cây cối tươi tốt. Tại nơi đây có xóm chài lưới, nhà cửa thưa thớt. Những đêm trăng thanh gió mát, thỉnh thoảng có tiên nữ xuống trần tắm. Do đó bãi sông này được đặt tên là Bãi Tiên (Tiên Châu) hay bãi Bích Trân. Cuối thế kỷ XIX chùa Di Đà bị xuống cấp nên tín đồ Phật tử đã trùng tu ngôi chùa vào năm Kỷ Hợi 1899. Từ đó ngôi chùa có tên chính thức là Tiên Châu Tự. Di Đà tự là một đại già lam, Bãi Tiên là một thắng cảnh. Do đó, từ xưa đến nay có rất nhiều tài tử giai nhân đến ngắm cảnh, ngâm vịnh. Chùa Tiên Châu hiện nay giữ được quy mô của năm Kỷ Hợi (1899), gồm bốn nóc: tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ. Các khu vực vừa kể làm theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo kiểu ngang dọc nhờ các kèo đấm, kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho. Nội điện chùa Tiên Châu được trang trí đẹp đẽ. Giữa tứ trụ là một khánh thờ, bên trong tôn trí một pho tượng Phật Di Đà bằng đất sét lớn. Hai bên vách hông là khánh thờ thần Già Lam, khánh thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, Thập Điện Minh vương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào – Bắc Đẩu, Địa Tạng, Chuẩn Đề, Hộ Pháp, Tiêu Diện Đại Sĩ. Trung đường và nhà tổ là nơi thờ các vị tổ sư tiền bối và thiện nam tín nữ đã quá vãng. Đây cũng là nơi tiếp khách nên treo rất nhiều tranh khuyến thiện và những câu đối có ý nghĩa thâm trầm. Chùa Tiên Châu được bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 12/12/1994. Chùa Tiên Châu là ngôi chùa cổ danh tiếng, có cảnh đẹp thu hút nhiều tao nhân mặc khách xưa nay. Trong dân gian hiện vẫn lưu truyền bài thơ của Ông Nguyễn Hữu Đức: “Tiên Châu giăng nước Vĩnh Long thành Đây rộn rực nhiều đó vắng tanh Khuất nước cỏ cây nhà trắng trắng Chia hai trời nước liễu xanh xanh Cảnh người trời nước ba thằng mục Chùa Phật hôm mai một tiếng kình Danh lợi vì đây lòng chẳng tưởng Bốn mùa phong cảnh chẳng ai tranh?”.



CÙ LAO AN BÌNH - BÌNH HÒA PHƯỚC - VĨNH LONG


    Là cù lao nổi giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, nơi tập trung nhiều điểm du lịch. Cù lao rộng khoảng 60 km2, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh và Ðồng Phú. Ðất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng, sapôchê..

Vườn cảnh Bonsai của ông Sáu Giáo tại ấp Bình Thuận xã Hoà Ninh với hàng trăm các loại cây cảnh: mai vàng, mai chiếu thuỷ, lài... xung quanh nhà là vườn nhãn và ao nuôi cá tai tượng, loại cá thịt ngon. Nhà sàn ông Mười Ðầy: nhà sàn cất bằng gỗ trên rạch Ninh Hoà, phía sau nhà là vườn nhãn, bưởi, sapôchê. Nhà được chọn là nơi phục vụ khách du lịch ăn trưa và nghỉ đêm trong chương trình "Ði trong màu xanh đồng bằng sông Cửu Long" của công ty du lịch Cửu Long. Ngôi nhà xưa ông Hai Hoàng được xây cất theo kiến trúc Pháp có sân rộng và phía sau là vườn chôm chôm và nhãn. Ðây là nơi ăn trưa và nghỉ đêm dành cho khách du lịch. Các vườn trái cây đặc sản khác Vườn chôm chôm ông Chín Hoán, vườn chôm chôm ông Chín Cần, vườn nhãn tiêu ông Tám Hổ, và vô số các vườn trái cây khác Vườn bưởi trên cù lao Mỹ Hoà huyện Bình Minh, cách Vĩnh Long 30 km, chuyên trồng bưởi năm roi, loại bưởi ngon nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.